Quy trình làm ra một sản phẩm đồ da handmade.
Đài Lê
Thứ Ba,
03/06/2025
5 phút đọc
Nội dung bài viết
Quy trình làm ra một sản phẩm đồ da handmade.
Nếu bạn vừa bước chân vào thế giới của đồ da thủ công, chắc hẳn sẽ có nhiều câu hỏi như: bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị gì, quy trình thực hiện thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng những bước đầu tiên để tự tay tạo nên sản phẩm da handmade của riêng mình.
Bước 1: Xác định sản phẩm & chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ
Khâu chuẩn bị là yếu tố then chốt quyết định trải nghiệm làm đồ da của bạn. Trước hết, hãy xác định rõ bạn muốn làm sản phẩm gì (ví dụ: ví da, thắt lưng, móc khóa…) và đánh giá độ phức tạp của nó. Từ đó, bạn sẽ biết mình cần những gì.
Những vật dụng cơ bản không thể thiếu gồm:
- Tấm da thật (nên chọn da bò hoặc da veg-tan dễ gia công)
- Dao rọc da, kéo cắt chuyên dụng
- Keo dán da (keo sữa hoặc keo con chó)
- Dụng cụ đục lỗ, bộ kim chỉ sáp
- Dụng cụ đánh cạnh, giấy nhám mịn, dung dịch hoàn thiện
Lưu ý: Làm đồ da handmade đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và không tránh khỏi những vết thương nhỏ do bất cẩn. Nhưng cảm giác được cầm trên tay sản phẩm mình tự làm ra sẽ rất xứng đáng.
Bước 2: Vẽ rập và cắt da theo mẫu thiết kế
Khi đã có ý tưởng, hãy bắt đầu với việc vẽ rập mẫu (pattern) để định hình từng chi tiết sản phẩm. Bạn có thể vẽ tay trên giấy, hoặc dùng phần mềm thiết kế như Corel, Illustrator để dựng mẫu chính xác hơn.
Dùng bút nhũ hoặc phấn chuyên dụng, bạn đánh dấu lên tấm da, sau đó cắt tỉa theo đường vẽ bằng dao hoặc kéo cắt da. Đây là bước cần sự chính xác cao vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ thẩm mỹ của sản phẩm hoàn thiện.
Bước 3: Dán ráp các bộ phận trước khi may
Để các chi tiết da bám chắc vào nhau trước khi khâu, bạn cần bôi keo lên mép tiếp xúc của từng bộ phận. Loại keo thường dùng là keo sữa hoặc keo con chó, dễ tìm ở các cửa hàng kim khí. Khi dán, nên canh chỉnh kỹ để các mép khít nhau, tránh bị lệch khi may.
Bước 4: Ke viền và đục lỗ đường may
Trước khi khâu, bạn phải tạo đường định vị may (ke viền). Nếu không có máy ke nhiệt, bạn có thể dùng compa chuyên dụng để vạch một đường song song với mép da, giúp mũi chỉ đều và thẳng tắp.
Sau đó dùng bộ đục lỗ, giữ đục thẳng đứng và đóng nhẹ đều tay bằng búa cao su hoặc búa gỗ để tạo các lỗ xuyên suốt bề mặt da. Bước này đòi hỏi sự cẩn thận để các lỗ đục thẳng hàng, tránh lệch méo.
Bước 5: Khâu tay thủ công các chi tiết
Khâu tay là công đoạn đậm chất thủ công nhất. Bạn nên dùng chỉ sáp dẹt 0.8mm và bộ kim khâu da chuyên dụng để thực hiện. Để dễ thao tác, nên sử dụng kẹp da (stitching pony) giúp cố định sản phẩm.
Phương pháp khâu xiên tay (saddle stitch) tuy mất thời gian hơn khâu máy, nhưng lại cho ra đường chỉ đều, đẹp và bền chắc hơn rất nhiều.
Bước 6: Xử lý cạnh & hoàn thiện sản phẩm
Sau khi khâu xong, phần cạnh da thường bị xù hoặc thô ráp. Bạn cần dùng giấy nhám mịn để mài phẳng các cạnh. Tiếp đó, bôi keo se viền, để khô rồi tiếp tục chà mịn lần nữa.
Cuối cùng, dùng dung dịch gum hoặc sáp bóng bôi lên cạnh và đánh đều bằng thanh gỗ đánh cạnh. Bước này giúp viền da bóng đẹp, mịn màng và tăng độ bền cho sản phẩm.
Lời Kết
Dù chỉ là những thao tác cơ bản, nhưng việc hoàn thành một sản phẩm da handmade sẽ cho bạn trải nghiệm đặc biệt về sự tỉ mỉ, nhẫn nại và cảm giác tự hào. Nếu muốn chinh phục những món đồ phức tạp hơn, bạn sẽ cần tiếp tục rèn luyện thêm nhiều kỹ năng và đầu tư các dụng cụ chuyên nghiệp hơn